Chính sách mới nổi bật có hiệu lực tháng 5/2020

 

Từ 22/5/2020, chính thức cấp bản sao điện tử cho người dân

Ngày 08/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 22/5 tới đây.

 

Đáng chú ý, thay vì cấp bản sao bằng giấy thì từ 22/5, tổ chức, cá nhân có thể yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp bản sao điện tử theo 02 cách:

Cách 1. Cấp bản sao điện tử từ sổ gốc

Khi đó, cơ quan đang quản lý sổ gốc sẽ căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao điện tử có chữ ký số của cơ quan cho người yêu cầu.

Cách 2. Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính giấy tờ, tài liệu­

Với cách làm này, tổ chức, cá nhân xuất trình bản chính giấy tờ, tài liệu làm cơ sở để chứng thực bản sao. Người thực hiện chứng thực kiểm tra bản chính, chụp điện tử bản chính, nhận lời chứng chứng thực bản sao từ bản chính và thực hiện ký số của người chứng thực, cơ quan có thẩm quyền chứng thực và cập nhật vào sổ chứng thực.

Nếu có tiền bảo lãnh, xe vi phạm giao thông sẽ không bị tạm giữ

Nghị định 31/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính sẽ có hiệu lực từ ngày 01/5/2020.

Theo đó, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể được giữ phương tiện dưới sự quản lý của cơ quan, người có thẩm quyền (trừ trường hợp xe là tang vật vụ án hình sự, xe đua trái phép, giấy tờ xe bị làm giả...) nếu có 01 trong các điều kiện:

- Người vi phạm có nơi đăng ký thường trú hoặc có đăng ký tạm trú còn thời hạn, hoặc có giấy xác nhận về nơi công tác của cơ quan, tổ chức (có địa chỉ rõ ràng) nơi cá nhân vi phạm đang công tác. Tổ chức, cá nhân phải có nơi giữ, bảo quản phương tiện.

- Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh.

Trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện, tổ chức, cá nhân vi phạm không được phép sử dụng phương tiện tham gia giao thông; không được tự ý thay đổi nơi giữ, bảo quản nếu không được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền.

 

Cấm lao động Việt Nam ra nước ngoài làm nghề massage

Theo Nghị định 38/2020/NĐ-CP ngày 03/4/2020, có tới 07 công việc người lao động không được đến làm việc ở nước ngoài. Cụ thể:

- Công việc massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí;

- Công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm), mangan, điôxit thủy ngân;

- Công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại;

- Công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất axit nitơric, natri sunfat, các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, sát trùng, chống mối mọt có độc tính mạnh;

- Công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập;

- Công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương);

- Công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/5/2020.
 

Lao động tại Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng

Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 12 năm 2020 thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là Chương trình EPS). Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/5/2020.

Theo Quyết định này, người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS phải ký quỹ để đảm bảo thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Mức ký quỹ là 100 triệu đồng. Thời hạn ký quỹ là 05 năm 06 tháng.

Trong 35 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với Trung tâm Lao động ngoài nước, người lao động phải ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn nơi đăng ký thường trú.