Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ năm 2020

 

 

Người có hai quốc tịch phải đủ 5 điều kiện

Nghị định 16/2020 quy định chi tiết một số điều và thi hành Luật Quốc tịch có hiệu lực từ 20/3, quy định người xin nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài cần hội tụ đủ 5 điều kiện.

Đầu tiên là có khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam; người xin nhập quốc tịch phải có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc và việc nhập quốc tịch đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Việt Nam.

Ngoài ra, việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài liên quan; việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng; không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Hộ chiếu của công dân Việt Nam ghi thông tin Quốc tịch. Ảnh: Phương Sơn

Hộ chiếu của công dân Việt Nam ghi thông tin Quốc tịch. Ảnh: Phương Sơn

Thanh tra giao thông nhận tiền của người vi phạm sẽ bị buộc thôi việc

Nghị định 19/2020 có hiệu lực từ ngày 31/3 quy định về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, lần đầu tiên đưa ra các mức kỷ luật cụ thể với vi phạm của cán bộ, công chức.

Theo đó, nghị định này quy định hình thức buộc thôi việc với cán bộ, công chức có thẩm quyền đưa ra quyết định xử phạt hành chính (như thanh tra gia thông, quản lý thị trường)... khi vi phạm các hành vi: Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính; chống đối, cản trở người làm nhiệm vụ kiểm tra, đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra;

Cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính... cũng bị buộc thôi việc.

Nghị định này áp dụng các vi phạm chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự (nhận dưới 2 triệu đồng). Hiện nay đã có quy định các hình thức kỷ luật với cán bộ, tuy nhiên với hình thức buộc thôi việc chỉ áp dụng với trường hợp: Người vi phạm bị phạt tù mà không được hưởng án treo; vi phạm tham nhũng ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng.

Chủ nhà không đóng bảo hiểm cho người giúp việc bị phạt đến 15 triệu đồng

Nghị định 28/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội... lần đầu tiên quy định bắt buộc chủ nhà phải đóng bảo hiểm xã hội, y tế cho người giúp việc. 

Ngoài ra, gia chủ cũng phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc. Trong trường hợp không thực hiện những quy định trên, chủ nhà có thể bị phạt đến 15 triệu đồng.

Nghị định này cũng tăng mức xử phạt hành chính từ 5-7 triệu đồng lên 10-15 triệu đồng với hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người giúp việc; không trả tiền tàu xe, đi đường khi người giúp việc thôi việc về nơi cư trú.

Phạt 10 triệu đồng nếu gửi tin nhắn quảng cáo rác

Cũng có hiệu lực từ 15/4, nghị định 15/2020 quy định xử phạt liên quan đến vi phạm về thư điện tử, tin nhắn cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ.

Theo đó, các hành vi gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận nhưng chưa được sự đồng ý của người nhận; gắn nhãn thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo không đúng hoặc không đầy đủ theo quy định... bị phạt từ 5-10 triệu đồng đối.

Nghị định cũng nêu mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không gắn nhãn thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo theo quy định; không lưu lại thông tin đăng ký nhận quảng cáo, thông tin yêu cầu từ chối và thông tin xác nhận yêu cầu từ chối thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo.

Nguồn: Vnexpress